Ở nông thôn, đặc biệt là vào mùa hè, không khí nóng ẩm, đây sẽ là thời điểm mà côn trùng gây bệnh phát triển mạnh. Khi đốt người, chúng sẽ gây ra tình trạng mẩn đỏ, ngứa, đau rát,… Nhẹ thì những biểu hiện này sẽ biến mất ngay sau đó một thời gian. Nặng thì sẽ dẫn đến sốc phản vệ, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của chúng ta. Vậy bạn phải làm thế nào khi bị côn trùng cắn gây ngứa, mẩn đỏ, phù nề? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại côn trùng và cách khắc phục khi bị chúng đốt nhé.
Loài ong
Như bạn biết đấy, hầu hết các loài ong đều có nọc độc, ít hay nhiều do từng loại. Một số loại ong gây chết người chỉ trong khoảng hơn 10 vết đốt như ong đất hay ong vò vẽ.
Trong nọc ong có chứa các chất gây dị ứng, protein, men tiêu huyết, men tiêu tế bào và acetylcholine,… nên nếu bị ong đốt quá nhiều, ngay lập tức, cơ thể của bạn sẽ tím tái, suy hô hấp,… Nếu trong trường hợp đó thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, tránh nguy cơ tử vong.
Kiến lửa
Kiến lửa tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra cảm giác khó chịu dai dẳng cho người bị đốt. Kiến lửa là loại côn trùng khá phổ biến ở Việt Nam, khi đốt sẽ gây ra các biểu hiện như chóng mặt, hoa mắt,…
Nếu bạn bị loài côn trùng này cắn, trong trường hợp vết cắn bị sưng đỏ, rộp lên thì tuyệt đối không được dùng kim nhọn chọc vỡ. Thay vào đó, hãy lấy một miếng băng gạc đặt nhẹ lên trên.
Kiến ba khoang
Kiến ba khoang là loại kiến thuộc họ bọ cánh cứng, rất độc. Loại côn trùng này thường bay vào bóng đèn, bám trên tường và bò vào màn để đốt người. Nếu bạn bị loại kiến này đốt thì bạn rất dễ có khả năng bị viêm da dị ứng.
Triệu chứng ban đầu mà bạn thường gặp là có cảm giác bỏng rát, đau đớn trên bề mặt da. Bởi trong bụng của kiến ba khoang có chứa một loại chất độc tên piridin, khi dính vào da sẽ gây ra cảm giác đau như bị tạt axit vậy.
Do vậy, khi gặp loại côn trùng này thì bạn không nên dùng tay để giết chết. Chất độc sẽ bám vào tay bạn, nếu chẳng may bạn chạm tay lên mặt thì sẽ gây ra hiện tượng bỏng rát, lan sang nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Ấu trùng bướm
Đây là loài ấu trùng có lông ngắn, loại lông này có thể gây ra hiện tượng viêm da cho người. Thường thì chúng sẽ va phải bạn khi đi đường hoặc bò vào trong màn khi bạn đang ngủ.
Lông của chúng khi bám vào da sẽ gây ngứa, ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, thậm chí sẽ gây viêm kết mạc nếu lông của chúng rơi vào mắt. Cho nên, bạn nên cẩn thận hơn để tránh tiếp xúc trực tiếp với ấu trùng bướm.
Loài sâu róm
Sâu róm là loại côn trùng có nhiều lông và gai, thường phát triển mạnh về mùa xuân. Sâu róm không đốt người nhưng chỉ cần bạn vô tình chạm phải thôi cũng có cảm giác ngứa buốt.
Ban đầu, khi tiếp xúc, chất độc trong lông và gai sâu sẽ khiến bạn đau nhức, sau đó sẽ là nổi mẩn đỏ như mề đay, vô cùng khó chịu. Nặng hơn là bạn sẽ bị nhức đầu, hạ huyết áp hay cô giật.
Chính vì thế, khi bị loài côn trùng này vô tình rơi vào, bạn tuyệt đối không được gãi, tránh lông sâu đi vào sâu bên trong da, khiến tình trạng ngứa rát kéo dài. Cách tốt nhất là bạn nên rửa chỗ bị ngứa bằng xà phòng, rồi bôi cồn để sát trùng.